Vợ chồng không đăng ký kết hôn có được hưởng thừa kế của nhau không?

SỐNG CHUNG NHƯ VỢ CHỒNG NHƯNG KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN THÌ CÓ ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ KHÔNG?

Chị Nguyễn Thị H hỏi Luật sư: Tôi và chồng chung sống với nhau từ năm 2014 nhưng không đăng ký kết hôn. Vợ chồng tôi có mua được một căn nhà, một chiếc xe. Chồng tôi có một mảnh đất do cha mẹ cho. Năm 2023, chồng tôi bị tai nạn mất, Luật sư cho tôi hỏi tôi có được hưởng thừa kế của chồng tôi không?

Cảm ơn chị H đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Trường Minh Ngọc, đối với câu hỏi của chị H, Luật sư trả lời như sau:

  1. Về tính pháp lý mối quan hệ hôn nhân:

Căn cứ quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HN & GĐ 2014) về đăng ký kết hôn thì việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định này thì không có giá trị pháp lý.

Căn cứ thêm quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì: Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Như vậy, quan hệ hôn nhân giữa chị H và chồng không được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp.

  1. Về quyền hưởng thừa kế trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn:
  • Trong trường hợp người chết có để lại di chúc: Nếu di chúc hợp pháp và trong di chúc có nội dung cho chị H được hưởng di sản của người này thì chị H được hưởng di sản theo nội dung di chúc.
  • Trong trường hợp người chết không để lại di chúc: Di sản được chia theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 về người thừa kế theo pháp luật:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  1. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  2. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  3. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại, của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

…”

Như vậy, trong trường hợp người chồng chết mà không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp thì chị H chỉ được hưởng thừa kế của chồng khi là vợ hợp pháp. Tuy nhiên, căn cứ phân tích tại mục 1 nói trên, chị H và chồng không tồn tại hôn nhân hợp pháp. Do đó, chị H không được hưởng thừa kế của chồng trong trường hợp thừa kế theo pháp luật.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, trường hợp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì chỉ có thể được hưởng thừa kế của người kia nếu người đó chết có để lại di chúc định đoạt cho người vợ, chồng (sống chung nhưng không đăng ký kết hôn) của mình được hưởng.

Trên đây là giải đáp của Luật sư về vấn đề “Sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn thì có được hưởng thừa kế không?”. Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không dùng để giải quyết một vụ án cụ thể.

No block ID is set