Em muốn ly hôn thì phải làm sao cho đúng luật?

Ly hôn

Trong quá trình hành nghề tôi đã được nghe thấy, chứng kiến nhiều câu chuyện của những cặp vợ chồng không thể sống chung với nhau được nữa và buộc phải đi đến quyết định ly hôn. Cá nhân tôi nhận thấy không ai muốn một cuộc hôn nhân đổ vỡ, nhưng có thể vì nhiều nguyên nhân mà chỉ có chính những người trong cuộc họ mới cảm nhận, thấu hiểu được.

Thời gian gần đây tôi nhận nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn về ly hôn phần lớn liên quan đến quyền được ly hôn. Những câu hỏi như: Em muốn ly hôn thì phải làm sao? Vợ em không đồng ý ký tên vào đơn ly hôn em có ly hôn được không? Em nghe nói muốn ly hôn mà chồng không đồng ý ký tên thì không được phải không? Em nghe nói vợ chồng phải không ở gần nhau 2 năm thì mới được ly hôn phải không? Ly thân trước thì mới được ly hôn phải không?…

Hôm nay, tôi vừa xử lý xong một số việc nên tranh thủ thời gian chia sẻ một số thông tin về quyền được ly hôn theo quy định hiện hành. Hy vọng có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về quyền của mình.

“Có kết hôn thì mới có phát sinh quyền được ly hôn”

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. (Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn Nhân Gia Đình 2014)
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. (Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn Nhân Gia Đình 2014)
Lưu ý: Pháp luật quy định nghiêm cấm việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân; việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.

Quyền được ly hôn

Được ghi trong Hiến pháp: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.” (Điều 36, Hiến Pháp 2013)

Được ghi nhận trong Luật Hôn Nhân Gia Đình 2014 tại Điều 51

Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Quyền yêu cầu ly hôn có thể chia làm 02 trường hợp là ly hôn thuận tình và ly hôn theo yêu cầu của 1 bên.
– Ly hôn thuận tình: Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định. (quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)
– Ly hôn theo yêu cầu của một bên ( ly hôn đơn phương): Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp hoặc một bên vợ hoặc chồng có yêu cầu đơn phương ly hôn, kèm theo đó có hoặc không có chia tài sản, giành quyền nuôi con thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn. (quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.)

Điều 55. Thuận tình ly hôn
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Tình trạng “không thể nhận thức hoặc làm chủ được hành vi của mình là tình trạng thực tế của vợ, chồng. Tình trạng này được xác định thông qua kết luận của cơ quan chuyên môn. Một người không thể nhận thức và làm chủ được hành vi chỉ được coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự.
Về hành vi bạo lực gia đình, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007. Quy định hậu quả của hành vi bạo lực gia đình là “làm ảnh hưởng” thay vì “gây tổn hại” cho thấy hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến tình mạng, sức khỏe, tinh thần của vợ, chồng có thể là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp. Để xác định được mức độ ảnh hưởng của bạo lực gia đình đối với sức khỏe, tính mạng và tinh thâng thì cần có sự tham gia của các cơ quan y tế có chuyên môn.

Trường hợp không được quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Theo quy định tại khoản 3 Điều 51 và Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì những trường hợp không được đơn phương ly hôn gồm:

1. Không có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.
2. Có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng nhưng không làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
4. Vợ hoặc chồng mất tích nhưng chưa có Tuyên bố mất tích của Tòa án thì Tòa án sẽ không giải quyết cho ly hôn.
5. Trường hợp khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì Tòa án sẽ không giải quyết ly hôn nếu rơi vào một trong hai trường hợp sau:
a. Người yêu cầu ly hôn không phải là cha, mẹ, người thân thích khác của người bị bệnh;
b. Không có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người bị bệnh.

Quy trình ly hôn đơn phương

Bước 1: Thụ lý đơn ly hôn (đơn khởi kiện). Vợ hoặc chồng – người muốn ly hôn đơn phương phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu và chứng cứ về hành vi bạo lực gia đình (nếu có) của người còn lại để nộp cho Tòa án có thẩm quyền (đã nêu ở trên).
Bước 2: Hòa giải. Sau khi nhận được đơn ly hôn đơn phương, Tòa án sẽ xem xét có nhận và thụ lý vụ án ly hôn không. Nếu xét thấy có căn cứ để xét đơn ly hôn đơn phương thì yêu cầu người nộp đơn nộp án phí tạm ứng và tiến hành hòa giải.
Nếu hòa giải thành thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành nếu không hòa giải được thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử.
Bước 3:  Mở phiên tòa sơ thẩm. Sau khi xét xử, Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng.

Quy trình ly hôn thuận tình

Bước 1: Thụ lý đơn. Vợ và chồng chuẩn bị hồ sơ nêu trên và nộp hồ sơ đến Tòa án có thẩm quyền.
Bước 2: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ xem xét đơn ly hôn thuận tình, căn cứ để chấm dứt quan hệ hôn nhân và ra thông báo nộp lệ phí tạm ứng.
Sau khi vợ, chồng nộp tạm ứng lệ phí thì Tòa án sẽ mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Bước 3: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Sau khi tiến hành hòa giải mà không thành thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận ly hôn. Ngược lại, nếu hòa giải thành thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết việc dân sự.

Giấy tờ cần chuẩn bị khi ly hôn

Những giấy tờ nộp kèm theo đơn ly hôn trong cả hai trường hợp: đơn phương ly hôn hoặc thuận tình ly hôn cơ bản giống nhau:

• Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
• Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
• Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);
• Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
• Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).
• Những giấy tờ, chứng cứ phục vụ cho việc chứng minh cho những yêu cầu cụ thể của bạn,…

MỌI TRAO ĐỔI LIÊN QUAN ĐẾN CHỦ ĐỀ BÀI VIẾT VỀ LY HÔN XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ VỚI THÔNG TIN CỦA LUẬT SƯ CHIA SẺ

Luật sư Đặng Thành Nhân

CHIA SẺ TỪ LUẬT SƯ ĐẶNGTHÀNH NHÂN
0966838881
 thanhnhan@congdongluat.vn
https://congdongluat.vn
https://www.facebook.com/congdongluat