Câu hỏi: Dạ e chào luật sư, Em tên Nguyễn MT sinh năm 1999 quê ở huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội. Vụ việc xảy ra vào ngày tối 20/12/2021 lúc khoảng 6giờ 30 em ra ngoài thị trấn Thường Tín nhậu cùng mấy người anh em, đến khoảng 9h30 thì bị 1 nhóm thanh niên 4, 5 người cầm theo gậy gộc, đến chửi bới rồi vụt vào người e, e đưa tay lên đỡ thì bị thương (Vết thương cánh tay trái đứt gân cơ cánh tay tam đầu, bàn tay trái đứt gân gấp sâu ngón IV, Gãy hở xương bàn II tay phải, đứt gân duỗi chung, duỗi riêng ngón II). Ngay đêm đấy công an cũng đã vào cuộc và gia đình e cũng đã làm đơn khởi tố, và giờ gia đình 2 bên đang giải quyết tình cảm, bên họ muốn ứng trước bồi thường là 50 triệu (luật sư cho e hỏi như vậy ổn thỏa không ạ), và nếu như e không chấp nhận thì bên kia họ phải đi tù bao nhiêu năm ạ, Rất mong nhận được phản hồi từ luật sư ạ. Em xin chân thành cảm ơn ạ!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp thì hành vi của nhóm thanh niên dùng gậy gộc gây thương tích cho bạn, rất có thể hành vi của nhóm thanh niên có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác như sau:
- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
…
- i) Có tính chất côn đồ;
…
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
- a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;
…
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
…
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
…
Tuy nhiên, để xác định hành vi của nhóm thanh niên đánh bạn có cấu thành tội phạm hay không thì Cơ quan cảnh sát điều tra đang thụ lý vụ án bắt buộc phải ra quyết định trưng cầu giám định, để xác định tỷ lệ thương tật của bạn là bao nhiêu %?
Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định:
Điều 206. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định
Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
…
4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;
…
Như vậy, sau khi có Kết luận giám định pháp y về thương tích thì sẽ xảy ra 2 trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất: nếu tỷ lệ thương tật là dưới 11% (vì nhóm thanh niên đã sử dụng gậy gộc để đánh bạn, đây là hung khí nguy hiểm) thì thuộc khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự, trường hợp này thì Cơ quan Cảnh sát điều tra chỉ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bạn.
Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại như sau:
“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
- Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
- Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”
Trường hợp thứ hai: Trường hợp tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên, thì thuộc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự thì Cơ quan Cảnh sát điều tra tự ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự mà không phụ thuộc vào việc bạn có yêu cầu hay không.
Cả 2 trường hợp nêu trên thì phía nhóm thanh niên vẫn phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bạn, Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm:
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; d) Thiệt hại khác do luật quy định.
3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
Như vậy, đối với câu hỏi của bạn thì nếu rơi vào trường hợp thứ nhất (tức thuộc khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự) thì bạn phải có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan Cảnh sát điều tra mới xem xét ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, và đương nhiên bạn vẫn được bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Nếu rơi vào trường hợp thứ hai (tức thuộc khoản 2, khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự) thì Cơ quan Cảnh sát điều tra tự ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự mà không phụ thuộc vào việc bạn có yêu cầu hay không, bạn vẫn được bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Về mức bồi thường bên kia đề xuất ứng trước 50 triệu đồng thì bạn cứ cầm để lấy tiền chi phí cho việc khám, chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Còn cụ thể thiệt hại bao nhiêu thì hai bên sẽ căn cứ vào quy định của Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 để thỏa thuận (nếu không tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án xem xét và ra phán quyết). Giả sử có tội, thì việc bồi thường cho bạn chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi Tòa án lượng hình, chứ không phải là bồi thường thiệt hại xong là không có tội.
Còn về hình phạt bạn hỏi là tù bao nhiêu năm? Vấn đề này thì khi xét xử, Tòa án sẽ đánh giá tính chất, mức độ sai phạm của hành vi, vai trò phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân…của các bị cáo để đưa ra hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của từng bị cáo.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Chúc bạn sớm bình phục sức khỏe.
Trường hợp bạn có thắc mắc hoặc có nhu cầu được tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline để được hỗ trợ. Xin cảm ơn!
CHIA SẺ TỪ LUẬT SƯ TRẦN QUANG THỊNH
Điện thoại/Zalo : 0979 396600(zalo)
Email: quangthinhlawyer@gmail.com
Website:https://congdongluat.vn/tranquangthinh/