Chia tài sản ly hôn làm thế nào để có lợi?

Trong hôn nhân, ngoài tình cảm thì giữa vợ chồng còn có tài sản chung – một điều kiện không thể thiếu để duy trì cuộc sống gia đình. Và nếu hôn nhân không êm đẹp dẫn đến việc chấm dứt hôn nhân thì tài sản chung sẽ được giải quyết ra sao và làm thế nào để được hưởng nhiều lợi ích hợp pháp nhất có thể. Đây là một câu hỏi mà nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người đang có ý định ly hôn.

Chia tài sản ly hôn
Chia tài sản ly hôn

1. Khái niệm ly hôn

Cần hiểu ly hôn là sự kiện làm chấm dứt mối quan hệ hôn nhân, đồng thời cũng làm chấm dứt chế độ tài sản chung của vợ chồng kể từ thời điểm ly hôn.

2. Phân chia tài sản khi ly hôn

Việc phân chia tài sản của vợ chồng dựa trên tinh thần của Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC. Theo đó, nguyên tắc giải quyết tranh chấp chia tài sản khi ly hôn được ưu tiên trên cơ sở thỏa thuận của hai vợ chồng.

 

Tuy nhiên, nếu hai vợ chồng không thỏa thuận được với nhau thì có thể làm đơn yêu cầu để Tòa án xem xét, quyết định chế độ tài sản của vợ chồng theo các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình.

 Vậy làm thế nào để được hưởng giá trị tài sản chung có lợi nhất nhưng vẫn tuân thủ các quy định pháp luật? Quý bạn đọc có thể lưu ý một số điểm sau:

2.1 Dựa trên yếu tố hoàn cảnh gia đình, vợ chồng

Khi ly hôn, pháp luật có tính đến các yếu tố để phân chia tài sản như năng lực pháp lý, tài sản, sức khỏe, khả năng lao động và thu nhập của từng người.

Nếu bạn có hoàn cảnh khó khăn hoặc mức sống quá thấp sau khi ly hôn có thể sẽ được hưởng nhiều tài sản hơn bên kia nhằm đảm bảo kế sinh nhai và ổn định cuộc sống miễn là phải phù hợp với tình hình thực tế.

Một trong những yếu tố được tính khi chia tài sản chung của vợ chồng đó là: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng.

(điểm a khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân gia đình)

Điều này thể hiện sự nhân văn của pháp luật cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho bên yếu thế trong quan hệ vợ chồng.

2.2  Dựa trên yếu tố mức độ đóng góp vào việc tạo dựng, duy trì và phát triển tài sản.

Là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

Pháp luật quy định rằng người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Ngoài ra, bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia phần tài sản nhiều hơn.

“Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

(điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP)

Do đó, nếu bạn đóng góp nhiều, tôn tạo tài sản nào nhiều thì bạn cũng sẽ được hưởng phần tài sản đó nhiều, việc này không chỉ thể hiện ở việc chi tiền ra để mua mà còn tính đến công sức đóng góp, chăm lo, tôn tạo tài sản đó.

2.3 Dựa trên yếu tố bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

Yếu tố này đề cập đến việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho các bên đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch.

Ví dụ: vợ chồng có tài sản chung là một chiếc ô tô người chồng đang chạy xe taxi trị giá 400 triệu đồng và một cửa hàng tạp hóa người vợ đang kinh doanh trị giá 200 triệu đồng. Khi giải quyết ly hôn và chia tài sản chung, Tòa án phải xem xét giao cửa hàng tạp hóa cho người vợ, giao xe ô tô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng nhân được phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho người vợ phần giá trị là 100 triệu đồng

Ngoài ra, việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

2.4 Dựa trên yếu tố mức độ lỗi của mỗi bên vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng.

Các hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân gia đình sẽ là một trong những căn cứ để giảm mức tài sản được hưởng của người vi phạm pháp luật.

Một trong những yếu tố được tính đến khi chia tài sản chung của vợ chồng đó là: Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

(điểm d khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Ví dụ: Trường hợp bạo lực gia đình, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng hoặc phá tán tài sản thì Tòa án sẽ có sự xem xét yếu tố lỗi của người vi phạm và chia phần tài sản nhiều hơn cho người bị vi phạm.

Đây cũng là một trong những yếu tố thể hiện sự nhân văn của pháp luật, bảo vệ thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại.

2.5  Dựa trên sự phát sinh lợi nhuận của tài sản hình thành trong tương lai.

Khi phân chia tài sản sau ly hôn, cần lưu ý đến các tài sản có giá trị bình thường ở giai đoạn hiện tại nhưng sẽ mang lại giá trị cao, ổn định trong tương lai, ví dụ như: bất động sản, cổ phiếu hoặc vườn trại chưa tới mùa thu hoạch.

 Bạn có thể yêu cầu được nhận những phần tài sản này và thanh toán tiền cho bên còn lại, thậm chí thanh toán giá cao hơn so với phần chênh lệch để đảm bảo bạn có thể sở hữu riêng tài sản đó.

Trên đây là một số kinh nghiệm và chia sẻ của chúng tôi về việc phân chia tài sản sau ly hôn sao cho được hưởng lợi nhiều nhất, hy vọng kiến thức này giúp bạn đọc có thể tham khảo thêm vấn đề này.

Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng

CHIA SẺ TỪ LUẬT SƯ ĐỔNG MÂY HỒNG TRÚNG
0902.57.57.18
 hongtrunglawfirm@gmail.com
https://luathongtrung.com
https://www.facebook.com/luathongtrung