Khi nhắc về các vấn đề trong quan hệ pháp luật về thừa kế, không ít Quý khách hàng lầm tưởng rằng chỉ có cá nhân mới là người thừa kế. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Bộ luật Dân sự 2015 thì người thừa kế không chỉ là cá nhân. Vậy, liệu pháp nhân có được coi là “người thừa kế” không?
1. Quy định của pháp luật hiện hành về quyền hưởng thừa kế của pháp nhân.
Bộ luật Dân sự 2015 có những quy định thể hiện quyền hưởng thừa kế của pháp nhân:
– Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015
“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”
– Điều 613. Người thừa kế
“Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”
Như vậy, pháp nhân cũng có thể trở thành người thừa kế. Tuy nhiên, pháp nhân được hưởng thừa kế trong trường hợp nào?
1. Pháp nhân chỉ được hưởng thừa kế trong trường hợp có di chúc:
Căn cứ điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” và nội dung Điều 609 đề cập ở trên, trong trường hợp nội dung di chúc có đề cập đến việc để lại thừa kế cho pháp nhân thì pháp nhân có quyền hưởng phần di sản thừa kế đó theo đúng nguyện vọng của người lập di chúc.
2. Pháp nhân không là người hưởng thừa kế trong trường hợp thừa kế theo pháp luật
Bộ luật Dân sự quy định về thừa kế theo pháp luật như sau:
– Điều 674. Thừa kế theo pháp luật: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”
– Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”
Theo đó, người thừa kế theo pháp luật chỉ có thể là cá nhân chứ không bao gồm pháp nhân. Do đó, trong trường hợp thừa kế theo pháp luật, pháp nhân không thể là người thừa kế.
3. Điều kiện hưởng thừa kế của pháp nhân:
Điều 635 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”. Như vậy, ngoài điều kiện là nội dung di chúc có thể hiện việc hưởng thừa kế của pháp nhân thì cần có thêm điều kiện là pháp nhân đó phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
4. Quyền và nghĩa vụ hưởng thừa kế của pháp nhân:
– Phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế tại thời điểm mở thừa kế theo quy định tại Điều 633 Bộ luật Dân sự 2015
– Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại (khoản 4, Điều 637 Bộ luật Dân sự 2015): “Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”
Được hưởng phần di sản thừa kế theo đúng nội dung di chúc, được phân chia phần di sản theo đúng quy định tại điều 684 “1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
3. Trong trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản”
– Quyền từ chối nhận di sản “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác” (khoản 1 Điều 642 Bộ luật Dân sự 2015).
Trên đây là toàn bộ bài viết về quyền hưởng thừa kế của pháp nhân, để được Luật sư hỗ trợ/ tư vấn về các vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ Hotline.
Trân trọng!
CHIA SẺ TỪ LUẬT SƯ NGUYỄN CẢNH TRƯỜNG
Điện thoại: 093.694.1658
Email: nguyencanhtruong37@gmail.com
Website:https://congdongluat.vn/nguyencanhtruong/