Không cần sổ đỏ vẫn được chuyển nhượng đất?

Theo quy định pháp luật, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là “Giấy chứng nhận”) là một trong những điều kiện bắt buộc phải có khi giao dịch mua bán nhà, đất.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, vẫn có 02 trường hợp ngoại lệ là người sử dụng đất không cần Giấy chứng nhận mà vẫn được thực hiện quyền chuyển nhượng như sau.


Trường hợp nhận thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 nêu rõ: “ Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho khi có điều kiện để cấp giấy chứng nhận (chưa cần có giấy chứng nhận)”.
Như vậy, người nhận thừa kế được phép chuyển nhượng thửa đất được thừa kế ngay cả khi chưa có Giấy chứng nhận, mà chỉ cần phần đất, tài sản đó đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận là người nhận thừa kế đất phải có một trong các giấy tờ tại điều 100 Luật Đất đai năm 2013, cụ thể là một số giấy tờ như sau: Giấy tờ về quyền sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993; giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất…
Trường hợp nhận thừa kế theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai 2013
Theo Khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013, trường hợp tất cả người nhận thừa kế đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng được phép chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:
– Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Người nhận thừa kế đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
– Trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất: Người nhận thừa kế đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho. Người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở.
Như vậy, hiện nay chỉ có 2 trường hợp nêu trên mới được chuyển nhượng nhà đất không cần có Giấy chứng nhận, còn lại các trường hợp chuyển nhượng khác bắt buộc phải có Giấy chứng nhận mới thực hiện được.
QUY ĐỊNH XỬ PHẠT CHUYỂN NHƯỢNG NHÀ ĐẤT KHI KHÔNG CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN
Ngoài 02 trường hợp nêu trên thì khi chuyển nhượng nhà đất bắt buộc phải có Giấy chứng nhận, việc chuyển nhượng khi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hành vi vi phạm pháp luật.
Căn cứ Khoản 3 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định bị phạt tiền như sau:
“3. Trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ điều kiện thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khu vực nông thôn, từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khu vực đồ thị trong trường hợp không đủ một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 188 của Luật đất đai;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khu vực nông thôn, từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khu vực đô thị trong trường hợp không đủ từ hai điều kiện trở lên quy định tại khoản 1 Điều 188 của Luật đất đai”
Như vậy, hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện (bao gồm trường hợp không có Giấy chứng nhận) có thể bị phạt hành chính lên tới 40.000.000 đồng (đối với tổ chức vi phạm) và 20.000.000 đồng (đối với cá nhân vi phạm).
Trên đây là bài viết của chúng tôi về vấn đề “Không có sổ đỏ vẫn được chuyển nhượng đất”, bài viết mang tính chất tham khảo, không vì mục đích thương mại.
Trường hợp Quý Khách hàng có thắc mắc, cần được tư vấn/ hỗ trợ, vui lòng liên hệ Hotline.
Trân trọng!

Luật sư Nguyễn Cảnh Trường