“Đúng nhận, sai cãi” chắc hẳn là câu cửa miệng của đa số giới trẻ trong những ngày gần đây. Được biết câu nói này xuất phát từ clip một người phụ nữ xem bói trên mạng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là với Tiktok hiện đang là “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Vậy hành vi xem bói toán trên Tiktok nói riêng và trên mạng nói chung có phải là hành vi vi phạm pháp luật?
Xem bói trên Tiktok có vi phạm pháp luật?
Xem bói có nhiều hình thức khác nhau, hiện có nhiều clip xuất hiện với hình ảnh người phụ nữ bổ cau, xem bói online. Theo như video thì người này tự xưng là cô và con với người xem. Ngoài việc xem số mệnh, công việc và tình duyên trong tương lai thì người phụ nữ này còn chỉ đích danh tên của các thành viên trong gia đình của người xem và chốt câu “đúng nhận, sai cãi”.
Với tài khoản hơn 150.000 lượt theo dõi thì nhanh chóng có hàng loạt các cá nhân cho ra những video có phong cách tựa cô đồng này và còn xuất hiện nhiều tài khoản giả mạo lừa người xem bói online.
Căn cứ theo khoản 4 và khoản 5 Điều 5 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016:
“4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.”
(khoản 4 và khoản 5 Điều 5 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016)
Có thể thấy rằng, nếu việc xem bói nhằm trục lợi bất hợp pháp, gây hậu quả xấu thì được xác định là vi phạm pháp luật. Ngược lại, nếu hành vi xem bói không nhằm mục đích trục lợi, không gây hậu quả xấu thì sẽ không là hành vi vi phạm pháp luật và không bị xử lý.
Để trả lời cho vấn đề này, bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH – TT – DL) cho biết, hiện nay thì pháp luật chưa có bất cứ quy định nào về khái niệm “mê tín dị đoan” một cách rõ ràng và cụ thể. Nhưng, ta có thể hiểu rằng, mê tín là việc có niềm tin mãnh liệt vào sự phù phiếm, mơ hồ, không có căn cứ dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng… Vì thế, hành vi xem bói toán của người phụ nữ này là hiện tượng mê tín dị đoan, không nên tin và mất tiền của vào hoạt động này.
Hành vi này có thể bị xử phạt về hành chính, hình sự hoặc cả hành chính và hình sự nếu nó có biểu hiện lợi dụng hành vi xem bói gây ảnh hưởng xấu đến người dân, gây ra những thiệt hại về người và về của.
Xử phạt hành chính đối với hành vi đăng tải, livestream xem bói trên Tiktok
Theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP thì việc đăng video xem bói trên Tiktok nhằm trục lợi có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Đồng thời phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là tháo bỏ video đã đăng.
Mức phạt theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt sẽ bằng ½ mức phạt nêu trên.
Xử phạt hình sự đối với hành vi đăng tải, livestream xem bói trên Tiktok
Theo quy định pháp luật thì người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín dị đoan tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015.
Từ đây ta nhận thấy rằng, trong thời kỳ mạng xã hội phát triển mạnh mẽ thì chúng ta càng phải cẩn thận khi sử dụng thế giới ảo này. Đặc biệt cần có nhận thức rõ ràng, lên án, phê phán đối với những hành vi mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.
—————————-
Thông tin liên hệ:
Hãng Luật Hồng Trúng
Vững pháp lý – Trọn niềm tin
🏘 Địa chỉ: Tầng 9 Tòa nhà HUD, số 159 Điện Biên Phủ, Phường 15, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
☎️ĐT liên hệ: 0902.57.57.18
✉ Email: hongtrunglawfirm@com
🌐Website: hangluathongtrung.com